Momo Rabbit

Bảo quản sữa mẹ đúng cách dễ hay khó? 

14 tháng 09 2021
Nguyen Hong Diep

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng, đề kháng tốt nhất cho bé trong 6 tháng đầu đời. Để bé được hưởng nguồn sữa mẹ quý giá trọn vẹn là nỗi niềm của biết bao nhiêu bà mẹ. Ngoài việc cho bé bú tự nhiên, mẹ cũng có thể lựa chọn cách vắt sữa và bảo quản sữa sau đó dùng dần trong nhiều trường hợp. Cùng Momo Rabbit khám phá mẹo bảo quản sữa mẹ đúng cách mẹ nào cũng có thể áp dụng ngay nhé! 

Sữa mẹ để được bao lâu ở bên ngoài?

Momo Rabbit mách mẹ bảo quản sữa mẹ đúng cách

Sữa mẹ sau khi được vắt có thể để được trong nhiều ngày tuỳ vào điều kiện bảo quản

 

Với các mẹ nuôi con hiện đại, việc vắt sữa để tích trữ, cho con sử dụng dần, tập cho bé bú bình từ sớm không còn phải là việc quá mới mẻ. Các dụng cụ hỗ trợ hút sữa, dụng cụ bảo quản và tích trữ sữa mẹ có rất nhiều trên thị trường. 

Nhưng để vắt sữa, bảo quản sữa mẹ và sử dụng hiệu quả mẹ cần hiểu rõ thời gian sử dụng và điều kiện bảo quản của sữa mẹ. Sữa mẹ ở môi trường bên ngoài sẽ nhanh chóng bị biến chất, nhiễm khuẩn nên cần được xử lý và bảo quản đúng cách. 

Sữa mẹ sau khi vắt ra ngoài ở nhiệt độ 25-35 độ C có thể để được 6-8 tiếng. Khi để trong ngăn mát tủ lạnh có nhiệt độ từ 4 độ C, thời gian duy trì của sữa sẽ kéo dài được tới 3-5 ngày. Ngăn đá của tủ lạnh có thể trữ sữa được lâu hơn nữa tới 3 tháng. Trong khi đó nếu mẹ sử dụng tủ đông riêng biệt với nhiệt độ lạnh sâu -18 độ C, sữa mẹ có thể bảo quản được tới 6 tháng. 

Tuy nhiên đó chỉ là con số tương đối, trong điều kiện thích hợp. Tùy theo điều kiện thời tiết, môi trường (trời nóng, ẩm nhiều thì sữa rất dễ hỏng) và môi trường tủ lạnh, sữa mẹ có thể bảo quản được ngắn hơn so với lý thuyết. 

Vắt sữa và bảo quản sữa mẹ

Vệ sinh sạch sẽ vùng ngực và chia nhỏ sữa để bảo quản đúng cách

 

Nếu mẹ quyết định sẽ vắt sữa thay vì cho bé bú trực tiếp và trữ lượng sữa dư của mình cho các bữa ăn tiếp theo của bé, mẹ sẽ cần biết cách để thực hiện việc này an toàn, vệ sinh. 

Mẹ luôn lưu ý làm sạch vùng da bầu ngực trước khi vắt sữa. Dụng cụ vắt sữa cùng cần làm sạch và khử khuẩn đúng cách để hạn chế tối đa tiếp xúc của vi khuẩn có hại. Tùy theo lượng sữa mà cơ thể mẹ sản sinh mẹ có thể sử dụng các bình chứa sữa với dung tích khác nhau. Sau khi vắt sữa, mẹ nên chia nhỏ ra các túi nhỏ, vừa với lượng ăn của bé để tiện sử dụng ngay.

Sữa của mẹ sau khi vắt ra nếu không sử dụng ngay cần được bảo quản mát hoặc cấp đông ngay tùy theo nhu cầu sử dụng. Hạn chế việc để sữa mẹ ở môi trường nhiệt độ cao quá lâu dễ gây ra biến chất, nhiễm khuẩn. 

Lượng sữa của lần vắt nào nên được bảo quản riêng với những lần trước đó. Momo Rabbit khuyên mẹ không nên trộn chung lượng sữa nhiều lần với nhau. Các túi sữa nên được ghi chú cẩn thận ngày giờ hút sữa để có thể sử dụng tuần tự. Các thông tin cần có trên mỗi bịch sữa gồm ngày vắt, lượng sữa, cách rã đông. Sở dĩ như vậy bởi không phải lúc nào mẹ cũng là người cho bé ăn, nên cần lưu ý thông tin cụ thể để người chăm sóc bé có thể nắm được dễ dàng. Hoặc trong trường hợp khác mẹ muốn cho sữa cho các mẹ khác cũng cần rất rõ những thông tin như vậy. Mẹ cũng tuyệt đối không tái sử dụng sữa bé đã uống còn thừa vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.

Vệ sinh dụng cụ 

Momo Rabbit mách mẹ bảo quản sữa mẹ đúng cách

Dụng cụ vắt sữa cũng như bình bảo quản cần phải luôn vệ sinh sạch sẽ

 

Với các mẹ vắt sữa hàng ngày việc vệ sinh dụng cụ là một việc làm tốn nhiều thời gian trong ngày nhất. Quy trình này cần phải được làm hết sức cẩn thận để tránh nhiễm khuẩn cho sữa mẹ trong những lần vắt sau. 

Sau khi vắt sữa, mẹ cần tháo rời các bộ phận của dụng cụ hút sữa, vệ sinh bằng nước sạch, nước rửa bình và dụng cụ làm sạch phù hợp. Momo Rabbit nhắc mẹ cần lưu ý những chỗ dễ đọng cặn bẩn, bên trong và cả bên ngoài của dụng cụ vắt, chứa sữa. Luôn để ráo nước, lau khô và bảo quản nơi sạch sẽ. Mẹ có thể tiệt trùng lại 1 lần bằng nước sôi hoặc giữ trong máy khử trùng trước khi sử dụng nếu cảm thấy cần thiết.

Rã đông và sử dụng sữa mẹ đúng cách

Momo Rabbit mách mẹ bảo quản sữa mẹ đúng cách

Bảo quản bằng cấp đông trong ngăn riêng sẽ giúp kéo dài thời gian sử dụng của sữa mẹ hơn

 

Nếu như mẹ có dự định cho bé sử dụng sữa ngay trong vài giờ tiếp theo thì không cần phải bảo quản sữa mẹ trong tủ mát mà có thể để ở nơi mát mẻ, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Sau một thời gian, sữa mẹ sẽ có hiện tượng tách lớp nên trước khi sử dụng mẹ hãy xoay  nhẹ bình sữa để các lớp hoà trộn từ từ vào với nhau chứ không lắc mạnh. Mẹ lưu ý sữa tách lớp vẫn có thể sử dụng được, không cần phải bỏ đi nhé. Sau khi cho bé ăn lượng sữa còn thừa mẹ hãy đổ bỏ chứ không nên tiếc mà tích lại sử dụng lần sau. 

 

Momo Rabbit mách mẹ bảo quản sữa mẹ đúng cách

Cho bé sử dụng lượng vừa đủ và tuyệt đối không dùng lại sữa thừa của lần bú trước

 

Với lượng sữa mẹ đã cấp đông, làm lạnh mẹ nên rã đông sữa từ từ bằng cách bỏ ra khỏi tủ đông, chuyển xuống ngăn mát, để ngoài nhiệt độ phòng, ngâm trong nước ấm. Cách làm này đòi hỏi nhiều thời gian nên mẹ cần căn giờ giữa các bữa ăn của bé cẩn thận để có lịch cụ thể. Mẹ tuyệt đối không sử dụng lò vi sóng hay đun sữa trên bếp để rã đông bởi nhiệt độ cao sẽ gây ra biến chất, ảnh hưởng tới chất lượng sữa. 

Sau khi sữa đã rã đông mẹ tiếp tục làm ấm sữa bằng cách ngâm bình vào nước ấm hoặc máy hâm sữa cho tới nhiệt độ 40 độ C là phù hợp để có thể cho bé sử dụng.

Sữa mẹ được bảo quản không đúng cách hoặc đã quá hạn mẹ tuyệt đối không nên cố tìm cách sử dụng sẽ dẫn tới các vấn đề về sức khỏe, ảnh hưởng tới đường tiêu hoá của bé. 

 

Duy trì sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ mang lại giá trị tuyệt vời về sức khoẻ và nền tảng phát triển cho bé yêu. Với những thông tin nêu trên, Momo Rabbit hy vọng giúp mẹ có thêm kiến thức để bảo quản sữa mẹ đúng cách và sử dụng cho bé yêu. 

 

Bài viết liên quan: 

- Mách nhỏ mẹ cách cho bé bú bình không sặc cực kì đơn giản và dễ thực hiện

- Những dấu hiệu cho thấy bé bú không đủ mọi bà mẹ cần biết

- Kết hợp sữa ngoài khi nuôi con bằng sữa mẹ, nên hay không?



 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy