Cai sữa cho bé, khó mà dễ!
Bé được bú trực tiếp sữa mẹ thường gặp khó khăn trong quá trình cai sữa. Việc phải tách rời con, chịu đựng những đau đớn, dằn vặt khi cai sữa cho bé khiến nhiều mẹ dễ rơi vào trầm cảm. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu câu chuyện cai sữa cho bé để giải tỏa bớt âu lo mẹ nhé.
Những lý do để cai sữa cho bé
Có nhiều lý do khiến mẹ không thể tiếp tục cho bé bú trực tiếp
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá và tốt lành nhất mẹ có thể dành cho con. Tuy nhiên không phải lúc nào mẹ cũng có thể duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian dài như vậy. Nhiều mẹ khi hết 6 tháng sau sinh phải quay lại với công việc, điều này khiến cho mẹ không thể cho bé bú như bình thường. Việc vắt sữa, trữ sữa cũng không hề dễ dàng với nhiều mẹ, thậm chí còn gây ra đau đớn, viêm nếu thực hiện không đúng cách.
Những lý do khác có thể khiến mẹ phải cai sữa cho bé như mẹ gặp phải vấn đề về sức khỏe cần sử dụng thuốc, mẹ mang thai một lần nữa, mẹ gặp áp lực với việc con ngậm sai khớp, mẹ quá ít sữa, cần bổ sung thêm sữa ngoài cho bé,... Nếu không quá vội do những lý do trên, thời điểm tốt nhất để cai sữa cho bé là ngoài 6 tháng cho tới hơn 1 tuổi, khi bé đủ vững vàng với các bữa ăn dặm và có các dấu hiệu sẵn sàng cai sữa mẹ.
Cách mẹ cai sữa cho bé trong thời gian dài
Cai sữa kết hợp thời điểm ăn dặm là tốt nhất
Trong trường hợp mẹ không quá vội cai sữa cho bé, mẹ có thể dành khoảng thời gian từ 6 tháng tới 1 tuổi để bé làm quen dần cho tới khi bỏ hẳn. Trước khi cai sữa mẹ, mẹ hãy tập cho bé làm quen với sữa công thức từng chút một. Tập cho bé dùng núm ti giả và bình sữa cũng là cách để bé quen dần với việc không ti mẹ, vừa để bé sẵn sàng vừa giúp mẹ giảm dần lượng tiết sữa, qua đó giúp mẹ dễ chịu hơn sau khi cai sữa cho bé hoàn toàn.
Khi bé đã bắt đầu ăn dặm, mẹ thử cho bé ti trước khi ăn dặm hoặc uống sữa công thức. Đến khi bé quen hơn, mẹ làm ngược lại cho đến khi bé không cần ti mẹ sau ăn dặm, uống sữa công thức nữa. Như vậy hệ tiêu hóa của bé được làm quen từ từ, trong khi bé từ bỏ dần thói quen tìm mẹ đòi ti.
Những cách làm này đòi hỏi nhiều thời gian, nên nếu mẹ cần cai sữa cho bé gấp thì không nên áp dụng nhé.
Cách mẹ cai sữa cho bé trong thời gian ngắn
Áp lực bủa vây cần mẹ phải thật bình tĩnh và kiên nhẫn
Khi không cho bé bú nữa, mẹ cần hạn chế kích thích tiết sữa bằng cách giảm dần vắt, hút sữa, chườm lạnh vùng ngực giảm lượng máu dồn về và mặc áo lót thoải mái hơn. Mẹ lưu ý không chườm nóng, không cố vắt sữa khi bầu ngực bị căng. Một vài viên thuốc giảm đau sẽ cần thiết cho nhiều mẹ khi cơn đau vùng ngực quá nhiều. Mẹ cũng không nên giảm lượng nước uống vào hàng ngày, điều này không giúp cho việc giảm tiết sữa mà chỉ khiến cho mẹ mất nước gây ra thêm mệt mỏi căng thẳng. Giảm lượng muối trong đồ ăn hàng ngày là cách rất hiệu quả để giảm tiết sữa, qua đó giúp việc bỏ ti của bé dễ dàng hơn. Mẹ cố gắng an ủi, trấn an bé khi cho bé ăn bằng bình, điều này rất quan trọng với bé khi đột ngột phải rời xa mẹ. Việc cai sữa đột ngột có thể rất căng thẳng và áp lực, nên đây là lúc mẹ cần bố hoặc người thân giúp đỡ chăm bé, giúp bé phân tâm, giảm đòi mẹ. Sẽ mất một chút thời gian để bé có thể tạm quên đi ti mẹ, nhưng mọi chuyện sẽ sớm ổn mẹ nhé.
Những lưu ý khi cai sữa cho bé
Khi cai sữa cho bé, mẹ cần kiên nhẫn, cẩn trọng và lưu ý một vài điểm sau:
Không kiên quyết từ chối khi bé đòi
Trừ khi mẹ phải dùng thuốc có ảnh hưởng tới sữa, nếu không mẹ không nên cự tuyệt bé ngay từ đầu. Khi mẹ cự tuyệt bé sẽ không hiểu và sẽ càng đòi hỏi nhiều hơn. Do đó mẹ giảm dần từng chút và cố gắng làm phân tâm bé rồi chuyển sang các cách ăn khác.
Đảm bảo dinh dưỡng cho bé
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của bé, do đó khi cai sữa mẹ, mẹ cần phải lưu ý cân bằng và bổ sung dưỡng chất phù hợp cho bé. Tập cho bé uống sữa công thức đủ dưỡng chất, có vị gần giống với sữa mẹ nhất. Mẹ cũng cần lưu ý sữa tươi không dùng được cho bé dưới 1 tuổi nhé.
Cho bé “chuyển ra ở riêng”
Đến lúc mẹ cho bé "ra ở riêng" được rồi
Từ giai đoạn 6 tháng tuổi, bé đã sẵn sàng với các giấc ngủ dài, bỏ bữa ăn đêm. Mẹ có thể cho bé ngủ ở phòng riêng hoặc cũi riêng đặt cạnh giường. Việc tách dần khỏi mẹ không những giúp mẹ cai bú được cho bé, còn giúp cho giấc ngủ của bé dần không gián đoạn, bé sẽ kéo dài được giấc ngủ đêm hơn. Để có thể hỗ trợ cho việc “ra ở riêng” này, mẹ cần tham khảo các cách tạo không gian ngủ an toàn, cho bé ăn 1 bữa no trước giấc ngủ đêm và chuẩn bị cho bé một dòng bỉm chuyên dùng ban đêm nữa nhé. Bỉm chuyên dùng cho ban đêm cao cấp như của Momo Rabbit Hàn Quốc có sức chứa lớn lên tới 1,3 lít chất lỏng, thấm hút nhanh và khô thoáng, mẹ có thể an tâm bé tè cả đêm mà không bị tỉnh giấc vì bỉm ướt, tràn bỉm gây khó chịu. Bé ngủ sâu giấc hơn sẽ không dậy đòi ti mẹ nhiều như trước nữa.
Tập cho bé ti bình
Tập ti bình cho bé nếu mẹ muốn cai ti mẹ cho bé
Không được bú mẹ nữa bé sẽ cần làm quen với chiếc bình lạ lẫm. Mẹ cần chọn cho bé bình và núm ti vừa với bé, vừa giúp bé ti dễ dàng, vừa tránh đầy hơi, chướng bụng. Mẹ có thể tham khảo tại các cửa hàng để được tư vấn chọn đúng loại phù hợp lứa tuổi của bé nhé.
Kiên nhẫn với bé và dành thời gian cho bản thân
Bé bị cai bú mẹ có thể sẽ có phản ứng cáu gắt, khóc quấy khiến mẹ thương con và mệt mỏi. Đây là lúc mẹ cần phải cương quyết và kiên nhẫn, chỉ có như vậy việc cai sữa cho con mới có thể thành công. Mẹ cũng cần dành thời gian chăm sóc bản thân mình để giảm bớt áp lực, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Điều này cũng giúp phụ nữ điều chỉnh được cảm xúc do thay đổi nội tiết sinh ra khi giảm tiết sữa.
Chúc mẹ cai sữa thành công cho bé nhé!