Momo Rabbit

Catnap ở trẻ sơ sinh là gì và ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của bé?

15 tháng 02 2022
Nguyen Hong Diep

Các mẹ bỉm sữa hiện đại chắc chắn không còn xa lạ với thuật ngữ catnap khi tìm hiểu về các phương pháp nuôi dạy con, đặc biệt là các giấc ngủ. Tuy nhiên vẫn còn nhiều mẹ mơ hồ và hiểu sai về catnap ở trẻ sơ sinh cũng như những tác động của catnap tới sự phát triển của bé. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu và làm rõ vấn đề này mẹ nhé.

Catnap là gì?

Catnap ở trẻ sơ sinh là gì và ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của bé?

Hiện tượng bé chuyển giấc kém vào ban ngày, thức dậy không ngủ lại được gọi là catnap

 

Thuật ngữ này được đặc biệt quan tâm bởi các mẹ nuôi con theo E.A.S.Y. Mặc dù vậy, dù mẹ áp dụng cách nuôi con nào cũng nên hiểu rõ khái niệm vì đây là một biểu hiện sinh lý mọi em bé đều có. 

Nap trong tiếng Anh nghĩa là giấc ngủ ban ngày. Catnap là thuật ngữ để chỉ các giấc ngủ ngắn 30-45 phút vào ban ngày của bé sau đó thức dậy, khóc và không ngủ lại được.

Do đó, các biểu hiện thức dậy liên tục vào ban đêm hoặc có thể ngủ lại nếu có sự hỗ trợ của bố mẹ thì không gọi là catnap. Đây là ngộ nhận thường thấy bởi bố mẹ khi tìm hiểu về giấc ngủ của bé, dẫn tới những sai lầm nối tiếp khi tìm kiếm cách khắc phục. 

Catnap thường xảy ra từ tuần lễ thứ 6. Khi có biểu hiện catnap ở trẻ sơ sinh bố mẹ có thể hiểu rằng giờ giấc sinh hoạt của bé đang có vấn đề và cần được điều chỉnh.

Những nguyên nhân gây ra catnap ở trẻ sơ sinh

Catnap ở trẻ sơ sinh là gì và ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của bé?

Có nhiều nguyên nhân gây ra catnap ở trẻ sơ sinh liên quan đến thói quen sinh hoạt do mẹ tạo dựng cho bé

Vào chu trình ngủ quá sớm

Cũng giống như người lớn sẽ rất khó ngủ nếu chưa đủ mệt, trẻ sơ sinh ở tuần lễ thứ 6 trở ra cũng cần thức đủ lâu để cảm thấy mệt và cần ngủ. Nếu mẹ để bé đi ngủ quá sớm sẽ khiến bé bị catnap. Trong trường hợp bé vẫn duy trì các giấc ngủ dài thì khả năng cao sẽ khiến bé ngủ đêm kém, thường xuyên tỉnh giấc, khó ngủ lại. 

Bé bị mệt do thức quá lâu

Trong một số trường hợp không đảm bảo được môi trường ngủ phù hợp như nhà có khách, cần di chuyển, đi du lịch … bé rất dễ bị catnap. Điều này xảy ra do bé bị thức quá lâu khiến não bộ bị ức chế gây khó khăn trong việc chuyển giấc. Lúc này dù bé mệt và muốn ngủ vẫn rất khó vào giấc trở lại. Những lúc như vậy mẹ cần tìm cách để khắc phục như làm tối không gian bé nằm, sử dụng tiếng ồn trắng hoặc ti giả để làm dịu thần kinh cho bé. Ngoài ra mẹ nên cân nhắc việc di chuyển, đi du lịch phù hợp với giờ giấc sinh hoạt của bé.

 

Catnap ở trẻ sơ sinh là gì và ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của bé?

Thói quen ăn vặt, nô đùa quá mức có thể khiến bé khó duy trì giấc ngủ dài ban ngày

Bé quá đói hoặc quá no

Tình trạng bé bị ăn lắt nhắt rất thường gặp ở các mẹ nuôi con bản năng và đọc sai tín hiệu của bé. Cứ thấy bé khóc là mẹ cho bú khiến cho bé luôn trong trạng thái nửa no, lâu dần thành thói quen đòi ti mỗi 1-2 tiếng. Cho bé ăn đủ no và kéo dài khoảng cách giữa các bữa ăn sẽ giúp giấc ngủ của bé tốt hơn, không bị gián đoạn bởi thói ăn vặt. 

Các bé háu ăn khi ăn quá no sẽ dễ bị đầy hơi, khó tiêu, đau bụng. Khi cơ thể khó chịu sẽ phát tín hiệu đến não khiến bé dễ tỉnh giấc, khó ngủ. Đây cũng là một trong những lý do phổ biến dẫn đến hiện tượng catnap ở trẻ sơ sinh. Để khắc phục tình trạng này mẹ nên vỗ ợ hơi cho bé thật kỹ, cũng như giảm lượng bú cho bé ở lần sau.

 

Catnap ở trẻ sơ sinh là gì và ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của bé?

Môi trường ngủ và thói quen bế ẵm ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ ngày của bé

Môi trường ngủ không tốt

Trong cơ thể con người có một hooc-môn giúp gây cảm giác buồn ngủ gọi là melatonin. Bé nhận được nhiều hooc-môn này thông qua sữa mẹ trong tháng đầu tiên và ít đi trong thời gian sau nên bé cần tự sản sinh để cảm thấy buồn ngủ. Hooc-môn này đặc biệt kém sản sinh khi môi trường quá nhiều ánh sáng do đó khi phòng ngủ sáng sẽ khiến bé dễ bị catnap hơn. Cơ thể của bé quá nóng sẽ sinh ra tín hiệu thải nhiệt, khiến nhịp tim gia tăng làm bé cảm thấy mệt mỏi, khó chịu dẫn đến dễ tỉnh giấc hơn.

Cùng với thời gian, cơ thể bé sẽ phát triển mạnh mẽ trong đó có thính giác. Bé sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các loại âm thanh, tiếng ồn. Nếu môi trường phòng ngủ thường xuyên có tiếng ồn, tiếng động đột ngột thì bé sẽ dễ bị tỉnh giấc và không ngủ lại được. 

Trong giai đoạn phát triển nghe nhìn bé có khả năng tiếp nhận nhiều thông tin hơn khi tỉnh qua việc nghe tốt hơn, nhìn xa hơn. Môi trường quá nhiều ánh sáng, đồ vật kích thích sẽ khiến não bé dễ bị quá tải. Tình trạng ức chế này sẽ ảnh hưởng đến khả năng chuyển giấc của bé gây ra catnap.

Sự phụ thuộc khi đi ngủ

Cách cho bé ngủ ảnh hưởng rất lớn đến thói quen của bé. Nếu mẹ hay bế bé để ngủ hoặc phải cho ti rồi mới ngủ được thì bé sẽ tạo thành thói quen khó bỏ. Trong các trường hợp đó bé thường rất khó tự ngủ lại khi chuyển giấc, bé dễ gặp phải tình trạng catnap ở trẻ sơ sinh. Mẹ hãy hướng dẫn cho bé cách tự ngủ ngay khi có thể nhé. 

Bố mẹ có thể làm gì để giảm catnap cho bé?

Catnap ở trẻ sơ sinh là gì và ảnh hưởng thế nào tới sự phát triển của bé?

Áp dụng giờ giấc sinh hoạt khoa học sẽ giúp các giấc ngủ của bé tốt hơn, giảm catnap theo độ tuổi

 

Catnap khiến cho bé thường xuyên gián đoạn giấc ngủ, chất lượng các giấc ngủ kém, dễ tạo thành thói quen ăn vặt lắt nhắt. Ngủ kém khiến bé dễ quấy khóc, phát triển trí não kém hơn. 

Tình trạng này còn ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của mẹ khi mẹ gần như không có thời gian để làm việc gì khác, lịch sinh hoạt đảo lộn gây mệt mỏi, áp lực. 

Bố mẹ có thể nghiên cứu trình tự ngủ của phương pháp E.A.S.Y để có kiến thức giúp tạo thói quen sinh hoạt, giờ giấc sinh hoạt phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé hơn. Việc ấn định các bữa ăn, giờ chơi, giờ ngủ cũng giúp cho mẹ có thể sắp xếp công việc trong ngày tốt hơn, có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn. 

Khi bé khó chuyển giấc bố mẹ nên tìm cách cải thiện môi trường ngủ, giảm kích thích, trấn an bé bằng cách vỗ về, thử sử dụng ti giả, khăn quấn để giúp bé. 

Nếu bé bị catnap nhưng vẫn vui vẻ, không có dấu hiệu cáu gắt, quấy khóc bố mẹ có thể nương theo thay vì cố gắng ép con đi ngủ hoặc cảm thấy quá áp lực về việc ngủ của bé.

 

Với những kiến thức chung về catnap ở trẻ sơ sinh cũng như nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này, Momo Rabbit hy vọng giúp bố mẹ giảm bớt áp lực trong việc nuôi con, bình tĩnh và an tâm hơn để đồng hành cùng bé trong giai đoạn phát triển đầu đời. 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy