Giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh bắt đầu từ ngôn ngữ
Dù có nhiều tranh cãi về việc có nên bắt đầu “giáo dục” cho bé ngay từ độ tuổi sơ sinh hay không nhưng không thể phủ nhận những hiệu quả mang lại từ giáo dục sớm đến sự phát triển của trẻ sơ sinh và mối quan hệ giữa bố mẹ với trẻ. Giúp bé phát triển ngôn ngữ ngay từ 0-12 tháng tuổi chính là một nền tảng quan trọng của quá trình giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu nha mẹ ơi!
Những lợi ích giáo dục sớm mang lại cho trẻ sơ sinh
Giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh mang lại nhiều lợi ích trong nuôi dạy trẻ
Có nhiều phương pháp giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh được áp dụng trên toàn thế giới và dần tiếp cận với các bố mẹ Việt Nam trong những năm gần đây. Một số những lợi ích của phương pháp giáo dục sớm có thể kể tới như:
Phát triển 5 giác quan: Trẻ được giáo dục sớm có xu hướng làm chủ ngũ quan của mình nhanh và thành thạo hơn. Cụ thể, các bé có thể nhận biết hình khối, màu sắc, âm thanh, ánh sáng, khả năng cầm nắm và phát triển kỹ năng thô, tinh tốt hơn.
Khả năng độc lập: Một trong những nền tảng quan trọng của giáo dục sớm là tôn trọng tính cá nhân của bé, ba mẹ dành cho bé những sự quan tâm phù hợp với khả năng của chính bé, từ đó thúc đẩy sự tự tin, độc lập, khả năng giải quyết vấn đề.
Giao tiếp tốt: Bằng cách quan tâm đến ngôn ngữ của bé ngay từ sơ sinh, giáo dục sớm mang tới hiệu quả bất ngờ về phát triển ngôn ngữ, giao tiếp, sự tự tin và khả năng hòa nhập cộng đồng so với các bạn cùng lứa.
Giáo dục sớm bắt đầu từ ngôn ngữ
Ngôn ngữ là phương tiện để mẹ và bé hiểu nhau hơn mỗi ngày
Người lớn chúng ta thường có quan niệm rằng trẻ sơ sinh chưa biết gì, chưa có khả năng ngôn ngữ và không thể hiểu nổi những gì người lớn truyền đạt. Điều đó tạo ra cách giáo dục, chăm sóc bé luẩn quẩn bằng kinh nghiệm nuôi con truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bố mẹ trẻ thường xuyên hoang mang trong cách nuôi dạy con mình, mâu thuẫn với ông bà khi cố giải thích những quan điểm mới, phó mặc việc chăm sóc con cho ông bà, người thân.
Thực tế, ngay từ khi trẻ sinh ra đời đã có hệ ngôn ngữ của riêng mình và nhu cầu giao tiếp chính là nhu cầu bản năng của mọi em bé. Thấu hiểu ngôn ngữ của bé, đáp trả nhu cầu giao tiếp chính là những việc làm giáo dục sớm bố mẹ cần làm.
Thấu hiểu ngôn ngữ của bé ngay từ những ngày đầu đời
Tiếng khóc, cử động, ánh mắt ... là những ngôn ngữ riêng của bé mẹ cần thấu hiểu
Nhu cầu của một em bé sơ sinh rất đơn giản bởi phần lớn thời gian trong 1-2 tháng đầu bé đều dành để ngủ và chỉ thức dậy khi đói. Nhiệm vụ của bố mẹ trong giai đoạn này là duy trì nhịp ăn đều đặn mỗi 1-2h và thay bỉm sạch cho bé để bé cảm thấy thoải mái.
Càng lớn dần, nhu cầu của bé càng tăng cao và đó là lúc bố mẹ nhận ra bé đang cố giao tiếp với chúng ta bằng cách riêng của bé. Những âm thanh phát ra đầy cố gắng, đi kèm là những biểu hiện cảm xúc, ánh mắt dõi theo và cả những cử chỉ tay chân, đó chính là ngôn ngữ của bé.
Lắng nghe tiếng bé ọ ẹ, tiếng khóc và quan sát những cử chỉ của bé, bố mẹ sẽ hiểu được phần nào nhu cầu hay cảm xúc của bé. Bé nắm tay chặt, miệng chóp chép, kèm theo tiếng gầm gừ chuyển dần thành tiếng khóc? Bé đói. Bé giật chân, quơ tay, mặt thư thái? Bé đang cảm thấy dễ chịu và sẵn sàng giao tiếp.
Có thể đó không phải là tiếng Việt để người lớn có thể nghe, hiểu dễ dàng, nhưng đó là điều chúng ta, những người làm cha mẹ cần khám phá và thấu hiểu.
Thấu hiểu con - nền tảng của giáo dục sớm
Đồng hành, thấu hiểu và tôn trọng trẻ là nền tảng của giáo dục sớm
Khi bố mẹ đã thực sự tập trung vào việc thấu hiểu ngôn ngữ của bé, tôn trọng cảm xúc và sự tồn tại độc nhất của bé, lúc đó hãy bắt đầu cuộc giao tiếp hàng ngày với bé.
Để bắt đầu cuộc “trò chuyện”, mẹ hãy đảm bảo rằng lúc đó bé thực sự đang tỉnh táo, giữ cho không gian đủ yên tĩnh, tránh các yếu tố mất tập trung. Chỉ khi đó, bé mới có thể thực sự bị thu hút bởi giọng nói của mẹ và có phản ứng chi riêng với mẹ mà thôi. Hãy dành cho bé vài phút trong nhiều lần mỗi ngày để trò chuyện với bé. Mẹ có thể bắt đầu bằng các câu chào đơn giản, những lời âu yếm hay những câu hỏi ngắn. Hãy giữ giọng nói không quá lớn cùng với biểu cảm vui vẻ mỗi khi nói chuyện với bé. Ban đầu bé sẽ chỉ nhận ra những âm thanh phát ra từ mẹ, nhưng dần dần bé sẽ cố gắng xâu chuỗi lại và hiểu rằng mẹ đang giao tiếp với mình. Lúc đó, mẹ sẽ thấy bé có những phản ứng lại lời mẹ nói, những dấu hiệu và cảm xúc được phát ra. Hãy dành cho bé một khoảng thời gian để “trả lời” sau mỗi câu hỏi của mẹ. Với các bé lớn hơn một chút, khi trò chuyện với con, mẹ có thể kết hợp với những va chạm khác với cơ thể bé như sờ ngón tay và bảo “đây là ngón tay của con này”. Mẹ cũng nên dùng những mệnh lệnh ngắn, rõ ràng, lặp lại nhiều lần như “há miệng nào”, “nhìn bố đi”.
Các bé sẽ hiểu được từ giao tiếp tính nhân - quả của mọi sự việc thông qua sự lặp đi lặp lại của âm thanh và các hoạt động hàng ngày. Bé cũng sẽ dần hiểu rằng nếu mình dùng cách này, hoặc cách khác để thu hút sự chú ý của mẹ, thì mẹ sẽ phản ứng lại và giao tiếp với mình. Và đó là lúc nền tảng của ngôn ngữ được phát triển tốt nhất. Thông qua ngôn ngữ mẹ có thể dần giúp bé học hỏi thế giới xung quanh mình qua các giác quan khác dễ dàng hơn.
Giáo dục sớm cho trẻ sơ sinh có thể không dễ áp dụng với nhiều người, nhưng nếu thành công, sẽ là bước khởi đầu tốt không chỉ cho sự phát triển vượt trội về trí tuệ và phản xạ của bé, mà còn tạo ra sợi dây gắn kết bền chặt giữa mẹ và bé. Momo Rabbit hi vọng với những chia sẻ nhỏ trong bài viết, có thể giúp bố mẹ tự tin hơn để bắt đầu giao tiếp và thấu hiểu bé yêu của mình.