Khắc phục rối loạn lo sợ xa cách cho bé yêu
Em bé trước đó đang rất ngoan đột nhiên bám mẹ, không chịu theo người khác, khóc lóc mè nheo liên tục. Mẹ mệt mỏi vì không thể làm việc khác và không biết phải giải quyết thế nào? Cùng Momo Rabbit thấu hiểu nỗi sợ của các bé và cách để mẹ vượt qua giai đoạn này cùng bé nhé.
Rối loạn lo sợ xa cách là gì?
Bé của mẹ có đột nhiên trở nên bám mẹ kinh khủng không?
Khủng hoảng xa cách hay rối loạn xa cách là giai đoạn tâm sinh lý bình thường của mọi em bé xảy ra khi bắt đầu nhận thức được sự tồn tại và “biến mất” của người thân, người chăm sóc, bố mẹ. Khi hiện tượng này xảy ra bé chưa biết cách tự vệ trước sự “trống trải” nên cảm giác lo sợ, buồn bã sẽ diễn ra.
Bé sẽ cảm thấy trống vắng, thậm chí hốt hoảng khi mẹ phải đi làm hay chỉ đơn giản là mẹ phải vào bếp, đi vệ sinh khuất tầm mắt của bé. Sự khủng hoảng này mang lại rất nhiều phiền toái và mệt mỏi cho cả mẹ và bé. Tuỳ từng bé mà mức độ của khủng hoảng xa cách sẽ nặng hay nhẹ khác nhau, điều này không chỉ ảnh hưởng bởi tâm tính của từng bé mà còn là ở mức độ tạo sự tự lập từ bé do văn hoá gia đình. Các gia đình phương Tây thường có xu hướng để bé tự lập sớm hơn, trong khi văn hoá bao bọc và cách chăm sóc của phương Đông luôn khiến bé có xu hướng phụ thuộc lâu hơn.
Thời điểm bé gặp khủng hoảng xa cách
Khủng hoảng xa cách sẽ đỡ dần khi bé lên 2 tuổi
Thông thường, ở khoảng tháng thứ 6 - 7 bé sẽ có dấu hiệu của khủng hoảng xa cách. Tình trạng này lên đến đỉnh điểm từ tháng thứ 10 cho đến 18 tháng tuổi và giảm dần sau 2 tuổi. Đây cũng là thời điểm mẹ bắt đầu phải trở lại với công việc ở cơ quan, bé bắt đầu đi lớp và tốn rất nhiều thời gian để giải quyết dứt điểm.
Cùng con vượt qua khủng hoảng
Không có giải pháp dứt điểm để vượt qua khủng hoảng xa cách, mẹ hãy cùng Momo Rabbit tham khảo vài gợi ý cơ bản nhé:
Nhẹ nhàng, yêu thương bé sẽ giúp bé dễ vượt qua lo âu hơn
Để bé tự chủ động rời mẹ
Khi bé bắt đầu biết bò cũng là lúc mẹ có thể để bé tự bò đến 1 nơi an toàn khác khuất tầm mắt mẹ rồi sau đó vài phút mới đi theo. Việc để bé tự chủ động rời xa mẹ sẽ giúp bé dễ dàng vượt qua khủng hoảng xa cách hơn. Ngược lại mẹ có thể ra khỏi phòng nhưng trước đó nhớ nói rõ với bé là mẹ đi đâu, mẹ sẽ quay lại ngay và làm đúng như vậy. Bé có thể không hiểu những gì mẹ nói, nhưng sẽ dần hiểu rằng mẹ đi 1 chút rồi CHẮC CHẮN mẹ sẽ quay lại. Dù là cách nào bé cũng sẽ dần quen với việc xa mẹ một thời gian và dễ dàng vượt qua cảm giác sợ hãi hơn.
Sắp xếp người thân chăm sóc cho bé
Khi mẹ phải rời xa bé như đi làm việc nhà hay đi làm trở lại, mẹ có thể nhờ người thân mà bé quen, gần gũi thường xuyên chăm sóc bé thay mình. Chắc chắn bé sẽ vẫn phản ứng lại khi phải xa mẹ, nhưng sự gần gũi gia đình sẽ giúp bé giảm đi sự lo âu và dễ bình tĩnh lại hơn.
Cho bé thời gian để làm quen với việc phải xa mẹ
Để bé làm quen với người sẽ chăm sóc bé
Hầu hết các bé đều cần thời gian hoặc thậm chí rất nhiều thời gian để làm quen với người chăm sóc bé. Vì vậy khi mẹ cần người khác thay mình chăm sóc bé, hãy dành cho bé thời gian làm quen đến khi bé thực sự có sự tin tưởng và an tâm nhé. Nếu cần người thân khác chăm sóc hay thuê người chăm sóc bé, mẹ hãy mời người đó đến nhà nhiều lần để làm quen với bé khi có mặt mẹ. Trừ trường hợp bất khả kháng mẹ đừng để bé đột ngột ở lại với người bé chưa tin tưởng dẫn tới nỗi hoảng sợ càng lớn hơn, càng quấn mẹ hơn.
Chào tạm biệt không nước mắt
Luôn tạm biệt em bé bằng một cái ôm nhẹ nhàng, thủ thỉ rằng mẹ sẽ về sớm. Không nước mắt, không bịn rịn, không ngoái lại nhìn nhiều lần, vì bé sẽ ảnh hưởng bởi cảm xúc của mẹ. Và mẹ nhớ luôn rời đi khi bé thấy chứ không trốn bé đi nhé. Việc mẹ đột nhiên “biến mất” sẽ càng khiến bé hoảng sợ hơn đó.
Nhất quán trong hành động
Kiên quyết và nhất quán là cách duy nhất để cả mẹ, bé và người chăm sóc có thể vượt qua khủng hoảng xa cách dễ dàng hơn. Chỉ cần mẹ mủi lòng hoặc không thực hiện đúng kế hoạch giai đoạn này sẽ càng kéo dài hơn, khó khăn hơn.
Khủng hoảng xa cách có thể là điều gì đó kinh khủng với cả mẹ và bé nhưng chỉ cần mẹ hiểu và chấp nhận đó là một phần trong quá trình lớn khôn của bé và bám mẹ không có gì sai thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chúc mẹ và bé vượt qua giai đoạn này thật nhiều kỉ niệm đáng nhớ nhé.