Khủng hoảng ngủ ở trẻ sơ sinh liệu có đáng sợ?
Một ngày đẹp trời bỗng nhiên bé yêu không thèm ngủ đúng giờ, đang chơi tự dưng lăn ra ngủ, đang ngủ đêm “mượt ơi là mượt” lại đòi ngồi dậy chơi vài tiếng ban đêm khiến bố mẹ xoay như chong chóng. Đó là những dấu hiệu thường gặp khi bé bước vào giai đoạn khủng hoảng ngủ thường gặp ở trẻ sơ sinh.
Khủng hoảng ngủ thực sự là gì?
Khủng hoảng ngủ thường gặp trong các giai đoạn phát triển đột biến của trẻ
Bố mẹ đã tốn rất nhiều công sức để thiết lập lịch sinh hoạt cho con, con có những cữ ngủ cố định vào ban ngày và bắt đầu có giấc ngủ đêm kéo dài từ 8h - 12h mà không bị dậy giữa đêm. Tuy nhiên, khi con bắt đầu tỉnh dậy vào giữa đêm, ngủ ngày ít hoặc bỏ qua cữ ngủ ngày và có dấu hiệu mệt mỏi, cáu gắt khi không ngủ đủ thì có thể con đang bước vào giai đoạn khủng hoảng ngủ.
Khủng hoảng ngủ thường xảy ra tại các cột mốc thời gian: tháng thứ 4, thứ 8,9, tháng 12, tháng thứ 18, có thể trùng hoặc không trùng với các tuần khủng hoảng wonder weeks của con. Khủng hoảng ngủ là dấu hiệu cho thấy con đang chuẩn bị học được một kỹ năng mới: Lật lẫy (4 tháng), bò trườn (7-9 tháng), tập đi (12 tháng), tập nói (16-17 tháng). Lý do con gặp phải khủng hoảng ngủ ở giai đoạn này rất đơn giản: con dành nhiều thời gian để tò mò tập luyện kỹ năng đến nỗi “bỏ quên” cả việc ngủ. Con bỗng khám phá ra thế giới xung quanh có rất nhiều điều thú vị và có thể áp dụng những kỹ năng mình vừa học được để chạm - cầm - nắm - mô tả bằng ngôn ngữ và thích thú với điều đó. Nhưng trong mắt của người lớn, nếu mẹ không hiểu về giai đoạn này, mẹ lại nghĩ là do con đã vô tình “quên” mất lịch sinh hoạt của mình, vì vậy lo lắng và đôi khi là mệt mỏi do phải thức theo con.
Khủng hoảng ngủ có can thiệp được không?
Chu kì này sẽ sớm qua đi nên bố mẹ cần kiên nhẫn với bé
Đây là một hoạt động tất yếu trong quá trình phát triển của con. Khi đã cẩn thận loại bỏ những nguyên nhân khiến con khó ngủ như con thiếu chất, con đói, côn trùng cắn, sốt mọc răng,... ba mẹ hoàn toàn có thể nghĩ tới việc con đang bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển vượt trội. Thời gian của cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài 1 tuần, nhưng cũng có thể du di tới 2-4 tuần tiếp theo. Ba mẹ đừng quá lo lắng vì sau khủng hoảng ngủ, nếp sinh hoạt bình thường sẽ lại được thiết lập, con sẽ ngủ nhiều và đúng giờ hơn, giảm bớt giấc ngủ ngày và có một giấc ngủ đêm chất lượng hơn.
Hãy kiên nhẫn và cho con thời gian để con tự điều chỉnh lại giấc ngủ và nhịp sinh hoạt, không nên ép con hoặc quá cứng nhắc với lịch sinh hoạt hiện tại.
Điều chỉnh giờ ngủ linh hoạt
Đây là thời điểm thích hợp để điều chỉnh khung giờ sinh hoạt trong ngày
Hãy mạnh dạn cắt bớt cữ ngủ ngày và cho con ngủ đêm sớm hơn để duy trì thời gian ngủ đêm tùy theo độ tuổi. Nếu giấc đêm bị gián đoạn, hãy cho con ngủ bù một chút vào ban ngày, đây cũng là thời điểm mẹ nên nghỉ ngơi thay vì “chiến đấu” cả ngày với những cơn gắt ngủ của con.
Sử dụng những công cụ hỗ trợ như ti giả, tiếng ồn trắng cũng là một cách giúp con ngủ ngon hơn. Mẹ đừng quên thiết lập không gian ngủ yên tĩnh, tránh tiếng ồn có thể kích thích bé.
Cân bằng giữa nuông chiều và kỷ luật
Bình tĩnh, mềm mỏng và đủ cứng rắn để cùng con vượt qua khủng hoảng ngủ
Nếu bé đã có lịch sinh hoạt ổn định, đừng thay đổi tùy tiện. Dần dần nắn con quay trở lại nếp ngủ thay vì nuông chiều con, giúp con quay trở lại giấc ngủ ngay khi con có dấu hiệu buồn ngủ và không bồng bế con là cách giúp bé bình tĩnh và sớm trở lại thành em bé ngoan của ba mẹ.
Momo Rabbit chúc bé và mẹ nhanh chóng vượt qua khủng hoảng ngủ thành công nha!