Momo Rabbit

Kiến thức về ăn dặm BLW mọi bà mẹ cần trang bị

15 tháng 03 2022
Nguyen Hong Diep

Để chuẩn bị cho giai đoạn ăn dặm của bé các mẹ thường hay băn khoăn chọn lựa giữa rất nhiều phương pháp nuôi con khác nhau. Cùng tìm hiểu những ưu nhược điểm cũng như những lưu ý quan trọng của phương pháp ăn dặm BLW trong bài viết sau của Momo Rabbit mẹ nhé. 

Phương pháp ăn dặm BLW là gì?

Kiến thức về ăn dặm BLW mọi bà mẹ cần trang bị

Ăn dặm chỉ huy là phương pháp được các bà mẹ phương Tây thường xuyên áp dụng

 

Hiện nay có 3 phương pháp ăn dặm chính được các mẹ thường xuyên chọn lựa để áp dụng đó là ăn dặm kiểu truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật và ăn dặm BLW - ăn dặm bé chỉ huy. 

Ăn dặm BLW - Baby Led Weaning còn gọi là ăn dặm bé chỉ huy là phương pháp ăn dặm ở đó khuyến khích các bé được làm chủ cách ăn, chọn lựa món ăn và lượng ăn của mình. Trong phương pháp này bố mẹ không phải là người cho bé ăn mà chỉ đóng vai trò cung cấp thức ăn, bé sẽ được toàn quyền quyết định ăn hay không ăn, ăn bằng cách nào và ăn bao nhiêu. Phương pháp BLW đòi hỏi sự tôn trọng tuyệt đối từ phía bố mẹ đối với sở thích và cá tính của bé. Điều này giúp cho bé được thoải mái tự do khám phá và làm quen với hoạt động ăn một cách tự nhiên nhất.

Ưu nhược điểm của ăn dặm BLW

Phương pháp nào cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Hiểu rõ ưu nhược điểm sẽ giúp bố mẹ chuẩn bị tốt hơn trước khi bắt đầu áp dụng cho bé.

Ưu điểm của BLW

Kiến thức về ăn dặm BLW mọi bà mẹ cần trang bị

Ăn thô sớm, chủ động là ưu điểm của phương pháp BLW

 

Ưu điểm lớn nhất của phương là bé sẽ học được cách ăn mà không cần quá nhiều sự hỗ trợ của người lớn, không cần phải bón xúc. Các bé sẽ bắt đầu bằng việc tự cầm nắm đồ ăn đưa lên miệng, tiến tới tự tập cách dùng công cụ như thìa, dĩa. 

Phương pháp này khuyến khích sự khéo léo tự nhiên của bé trong việc tiếp cận và xử lý thức ăn, giúp tăng khả năng nhận biết, phân biệt thức ăn thông qua hình dáng, màu sắc, tính chất. Thông qua việc xử lý thức ăn các kỹ năng vận động, phối hợp các bộ phận cơ thể của bé được nâng cao một cách tự nhiên nhất.

Trong quá trình ăn bé khám phá, hình dung, tăng sự hiểu biết về thế giới xung quanh. Đồng thời phương pháp này còn khuyến khích bé được tham gia cùng bữa ăn của cả gia đình, từ đó tăng tính gắn kết giữa các thành viên gia đình, bé cũng có thể học hỏi các kỹ năng ăn, kĩ năng giao tiếp từ người lớn. 

Nhược điểm của BLW

Kiến thức về ăn dặm BLW mọi bà mẹ cần trang bị

Dọn dẹp "bãi chiến trường" và nỗi lo bé hóc nghẹn thường khiến bố mẹ bỏ cuộc

 

Rất nhiều bố mẹ gặp khó khăn ngay từ đầu khi phải đối diện với nỗi lo bé bị hóc, nghẹn khi ăn dặm BLW. Việc tiếp xúc ngay với thức ăn dạng thô thay vì các thức ăn nhuyễn như các phương pháp khác khiến bé mất nhiều thời gian lúc đầu để làm quen với thức ăn và cách xử lý thức ăn. Bé sẽ thường xuyên có biểu hiện như hóc, nôn trớ thức ăn.Điều này đòi hỏi bố mẹ phải có tinh thần vững vàng và trang bị kiến thức xử lý hóc, nghẹn để sẵn sàng trong các tình huống xấu. Ngoài ra việc nắm rõ phương pháp và cung cấp thức ăn đúng cách cũng giảm thiểu tối đa rủi ro này. Một nhược điểm lớn khác của phương pháp ăn dặm BLW là bẩn. Việc để bé tự do khám phá thức ăn sẽ khiến cho khu vực bé ăn không khác gì “bãi chiến trường”. Bé có thể ném đồ ăn, bôi trét thức ăn khắp nơi, mỗi lần ăn xong đều phải đi tắm … Việc này thực sự rất stress với nhiều bố mẹ và trở thành rào cản khó vượt qua khiến cho việc áp dụng BLW không thành công. 

Các lưu ý quan trọng khi cho bé ăn dặm BLW

Kiến thức về ăn dặm BLW mọi bà mẹ cần trang bị

Mẹ cần tìm hiểu kỹ và thực hiện từng bước khi cho bé ăn dặm chỉ huy

 

Thời điểm tốt nhất để áp dụng phương pháp BLW là 6 tháng tuổi khi bé đã có thể tự ngồi ghế ăn dặm riêng với tư thế thoải mái để tự do sử dụng tay. Chỉ bắt đầu bữa ăn khi bé đang tỉnh táo, vui vẻ và sẵn sàng để tránh tình trạng hóc nghẹn xảy ra. 

Mẹ chỉ đóng vai trò là người cung cấp thức ăn, tuyệt đối không nên ép bé ăn những món bé không thích, ăn khi bé đã no. Chỉ cung cấp một lượng thức ăn vừa phải và không hối thúc bé để bé không bị rối trí khi ngồi vào bàn ăn. Quá nhiều thức ăn chỉ khiến cho bé nhanh quăng đồ ăn đi để chuyển sang món khác vì tò mò. Tuy rằng việc lựa chọn món ăn là hoàn toàn dựa vào sở thích của bé nhưng mẹ vẫn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Thức ăn cần phù hợp với độ tuổi, thể trạng để cơ thể bé có thể hấp thu tốt nhất. 

Trong thời gian đầu khi kĩ năng cầm nắm của bé chưa thành thạo, thức ăn nên được cắt thành dạng sợi, thanh với kích thước vừa tay bé, dễ cầm để bé có thể đưa vào miệng. Các loại thực phẩm tốt cho BLW gồm rau củ (Bông cải xanh, cà rốt, dưa leo, su su, su hào, bí đỏ …), trái cây (Táo, lê, đào, chuối, cam, dưa hấu, dưa lưới, xoài …), thịt (thịt gà, thịt lợn, cá, tôm …), tinh bột (bánh mỳ, nui, bún, mì Ý …). Bố mẹ cần rất kiên nhẫn và tôn trọng với bé khi áp dụng BLW. Ăn dặm BLW chỉ là bước khởi đầu để bé làm quen với thức ăn và cách ăn nên không nên quá đặt nặng việc bé ăn ít hay nhiều. 

 

Trang bị kiến thức là cách tốt nhất để việc làm cha mẹ bớt gian nan hơn. Với những thông tin hữu ích nêu trong bài viết, Momo Rabbit hy vọng mẹ đã hiểu rõ về phương pháp ăn dặm BLW để có thể tự tin áp dụng cho bé yêu của mình. 

 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy