Momo Rabbit

Mẹ đã biết cách vệ sinh rốn đúng cách? 

22 tháng 04 2021
Nguyen Hong Diep

Trên cơ thể non yếu của trẻ sơ sinh, cuống rốn là bộ phận dễ nhiễm trùng nhất và dễ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng huyết nguy hiểm. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu cách chăm sóc và vệ sinh cuống rốn của bé đúng cách mỗi ngày mẹ nhé! 

Tại sao cần chăm sóc cuống rốn cho bé?

Cuống rốn rất dễ nhiễm trùng dẫn đến các bệnh nguy hiểm cho bé

Dây rốn là sợi dây nối kết cơ thể mẹ và bé trong suốt thai kì qua đó chất dinh dưỡng, oxy từ bánh nhau của mẹ được truyền đến thai nhi. Sau khi bé ra đời, dây rốn hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn để lại 1 phần gọi là cuống rốn, đây chính là bộ phận rất quan trọng mà mẹ cần chăm sóc cẩn thận cho đến khi rụng và khô hoàn toàn. Nếu bé không được chăm sóc cuống rốn đúng cách sẽ rất dễ dẫn đến nhiễm trùng rốn. Tình trạng nhiễm trùng này có thể lan rất nhanh tới gan, có nguy cơ gây nhiễm trùng máu, một trong những chứng bệnh có nguy cơ tử vong lên tới 80% ở trẻ sơ sinh. Nhiễm trùng rốn còn có thể dẫn tới uốn ván rốn, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, nếu mẹ không chăm sóc cẩn thận còn khiến quá trình rụng rốn kéo dài hơn, tăng xác suất gặp phải các trường hợp xấu do nhiễm khuẩn. 

Hướng dẫn cách vệ sinh cuống rốn đúng cách

Vệ sinh cuống rốn là việc làm hàng ngày, nếu mẹ chưa biết cách hoặc còn băn khoăn, Momo Rabbit khuyên mẹ nên nhờ sự trợ giúp của người có chuyên môn hoặc các cô tắm bé chuyên nghiệp. 

Chuẩn bị sẵn đồ đạc để thao tác gọn gàng, thuận tiện

Dụng cụ để vệ sinh cuống rốn cần chuẩn bị khá đơn giản. Mẹ chỉ cần chuẩn bị sẵn bông vô khuẩn hoặc tăm bông sạch, cồn 70 độ hoặc dung dịch eosin 1%, gạc vô trùng và băng rốn. Để bắt đầu vệ sinh rốn cho bé mẹ nên rửa tay thật sạch để đảm bảo hạn chế tối đa vi khuẩn khi tiếp xúc với bé. Sau khi tháo bỏ băng rốn cũ, mẹ dùng gạc nâng nhẹ nhàng cuống rốn đồng thời quan sát tình trạng của rốn xem có sưng tấy đỏ, chảy mủ, rỉ máu hay có mùi hôi không. Sau đó, mẹ dùng bông hoặc tăm bông thấm dung dịch sát khuẩn sát trùng làm sạch rốn theo trình tự từ chân rốn, thân rốn, mặt cắt cuống rốn, vùng da xung quanh cuống rốn. Sau khi đã lau sạch xong, nếu rốn còn tươi, mẹ băng rốn lại bằng gạc mỏng, còn nếu rốn đã khô mẹ nên để hở thông thoáng mà không cần băng rốn lại nữa.

Những điều có thể mẹ chưa biết về chiếc rốn “tưởng quen mà lạ”

Rốn khô hay còn tươi đều cần vệ sinh sạch sẽ hàng ngày

Thông thường rốn của bé sẽ rụng trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi sinh, có trường hợp có thể hơn 20 ngày. Sau 15 ngày thì cuống rốn liền hoàn toàn, còn trong trường hợp lâu rụng rốn hơn mà không có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì mẹ cũng không cần phải quá lo lắng. Momo Rabbit khuyên mẹ tiếp tục chăm sóc cuống rốn đúng cách, giữ rốn và vùng xung quanh sạch, khô chờ đến ngày rốn rụng. 

Đối với kẹp rốn, mẹ có thể tháo cho bé sau 24h và nên thực hiện ở bệnh viện nơi các bác sĩ có chuyên môn. Nếu mẹ để kẹp rốn lâu hơn và đã đưa bé về nhà cần hết sức lưu ý bởi có thể gây cản trở đến việc thay tã, nếu tác động mạnh sẽ gây tổn thương chân rốn, làm đau bé. 

Khi bé đã rụng rốn, rốn khô nên để hở thông thoáng và tránh va chạm

Cuống rốn khi đã khô mẹ nên để hở, thoáng để cuống rốn tiếp xúc với không khí giúp cuống nhanh rụng hơn. Tã bỉm mặc cho bé phải được gấp xuống phía dưới rốn, tránh đè lên rốn sẽ gây đau, khó chịu cho bé. Tã bỉm cần được thay thường xuyên để đảm bảo vệ sinh. 

Mẹ nên chú ý tránh làm rốn bị ướt, sau khi tắm xong cần lau khô, làm sạch cuống rốn ngay để đảm bảo vệ sinh tốt nhất. Khi rốn đã rụng mẹ có thể thoải mái hơn khi tắm bé nhưng vẫn cần tiếp tục chăm sóc rốn của bé cho tới khi chân rốn khô hoàn toàn và không còn dịch tiết. Tuyệt đối không sờ vào cuống rốn của bé nếu không cần thiết. Trong trường hợp mẹ thấy có chút máu khô dính ở chân rốn cũng không cần phải quá lo lắng. Mẹ cũng có thể nhận biết tình trạng nhiễm trùng rốn nếu xảy ra bằng cách quan sát các dấu hiệu như chân rốn đỏ, sưng tấy, rốn tiết dịch nhiều, có mùi hôi, vùng xung quanh rốn khi ấn vào khiến bé đau, quấy khóc, rốn chảy máu. Ngoài ra khi bé bị nhiễm trùng sẽ đi kèm với cơn sốt trên 38 độ, tăng nhịp thở, vàng da … Với các dấu hiệu như vậy mẹ cần đưa bé ngay đến bệnh viện và các cơ sở y tế để được khám chữa kịp thời. 

 

Momo Rabbit hy vọng giúp mẹ có thêm kiến thức để chăm sóc bé yêu trong những ngày tháng đầu tiên để mạnh khỏe, lớn khôn.


 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy