Mẹ đã hiểu những ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh?
Trẻ sơ sinh chưa biết nói nên những người lần đầu làm mẹ thường rất lúng túng khi thấy bé khóc và thường bỏ qua những dấu hiệu của bé. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu những ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh để thêm hiểu bé và dễ dàng hơn khi chăm sóc bé yêu mẹ nhé.
Liệu trẻ sơ sinh đã có ngôn ngữ?
Dù chưa biết nói trẻ sơ sinh vẫn có nhiều cách để thể hiện ngôn ngữ riêng của mình
Trẻ sơ sinh không thể nói với mẹ bé đang đói hay đau, khó chịu nhưng bằng bản năng của mình bé vẫn có thể tự biểu đạt những điều đó theo cách rất riêng.
Tiếng khóc của bé chính là một hệ ngôn ngữ dễ nhận thấy nhất. Trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều và chỉ thức dậy khi có nhu cầu ăn hoặc có tác động bởi bên ngoài. Bé sẽ khóc để báo hiệu cho mẹ biết khi đói, khó chịu, đau đớn hoặc đơn giản chỉ muốn có cảm giác được che chở, vỗ về. Việc thấu hiểu tiếng khóc, tạo dựng thời gian biểu sinh hoạt tốt sẽ giúp các bà mẹ trẻ dễ dàng đáp ứng được nhu cầu của bé thay vì lo âu không biết mình đã làm gì sai.
Tuy nhiên, ngoài tiếng khóc bé còn có những dấu hiệu và ngôn ngữ cơ thể khác mà thông qua đó mẹ cũng biết được các thay đổi của bé.
Những ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh có thể mẹ chưa biết
Với tay
Chuyển động tay đột ngột là biểu hiện thường thấy khi bé giật mình, lo âu
Mẹ có thể thấy bé rất hay có động tác giơ tay quờ quạng, chới với. Đây là biểu hiện khi bé cảm thấy mất an toàn và cần được bảo vệ. Trẻ sơ sinh vốn đã quen cảm giác được bảo bọc trong bụng mẹ nên khi ra không gian bên ngoài thường bị mất phương hướng, dễ hoảng sợ vì bị thay đổi môi trường ví dụ như khi mẹ đặt bé nằm xuống giường đột ngột, bé bị giật mình vì tiếng động, ánh sáng.
Đá chân
Một em bé đang vui và cảm thấy phấn khích sẽ có động tác đá chân
Trẻ sơ sinh sẽ cần nhiều tháng để tự khám phá cách vận động cơ chân cho nên khi mẹ nhìn thấy bé đá chân trong vài tháng đầu thì đó là biểu hiện bé đang cảm thấy vui vẻ, thích thú. Động tác này sẽ thường gặp khi mẹ chơi đùa với bé hoặc khi bé đang được đi tắm.
Gập gối
Trẻ thường xuyên co quắp chân và khó chịu có thể đang bị táo bón hoặc các bệnh về tiêu hoá
Khi bé đang nằm ngửa mà co gập gối lên bụng thì mẹ cần lưu ý đến những vấn đề liên quan đến tiêu hoá. Có thể bé đang bị táo bón, đầy hơi, khó chịu. Bé thường xuyên co quắp chân và lâu ngày chưa đi nặng thì biểu hiện của táo bón nặng. Mẹ cần điều chỉnh bữa ăn của mình nếu đang cho bé bú, đổi loại sữa công thức và giúp bé xoa bụng, tập các bài vận động nhẹ giúp dễ tiêu hoá hơn.
Ưỡn lưng
Khi bé ưỡn lưng kèm khóc có thể bé đang bị đầy hơi, ợ nóng, khó chịu đó mẹ
Bé sẽ thường có biểu hiện ưỡn cong lưng khi bị ợ chua, ợ nóng. Nếu kèm biểu hiện quấy khóc, khó chịu mẹ cần nhanh chóng vỗ về bé, vỗ ợ hơi, giúp bé giải toả, dễ chịu hơn. Ưỡn lưng cũng thường là biểu hiện của sự lo lắng, đau đớn nên mẹ cần lưu tâm.
Nắm chặt bàn tay
Cử động ở bàn tay có thể báo hiệu cho mẹ nhiều mong muốn của bé
Khi mẹ có lịch cho bé bú, uống sữa công thức đúng giờ mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy khi sắp đến giờ ăn tay bé sẽ lặp lại nắm chặt, thả ra. Đây là cách bé báo cho mẹ rằng bé đang đói và cần được ăn. Biểu hiện này sẽ đi cùng với động tác chóp chép miệng, liếm môi và ngọ nguậy tìm mẹ.
Nắm, vò tai
Bé yêu hay vò tai? Có thể bé đã bị viêm tai giữa, mẹ cần lưu tâm
Có thể người lớn sẽ rất ngạc nhiên khi biết điều đầu tiên để trẻ sơ sinh khám phá chính là cơ thể của mình. Khi bé “phát hiện” ra tai của mình sẽ khiến bé thích thú và thường xuyên sờ, nắm. Tuy nhiên, ngoài cảm giác thú vị này, nắm tai, vò tai còn có thể là biểu hiện của sự khó chịu, mọc răng hoặc bé có thể bị viêm tai giữa nên mẹ cần lưu tâm.
Cần làm gì khi nhận ra ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh?
Thấu hiểu ngôn ngữ riêng của bé sẽ giúp mẹ gần bé hơn và chăm sóc bé tốt hơn mỗi ngày
Biết những ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh là một việc, đáp ứng đúng lúc cho bé khi nhận thấy những dấu hiệu đó lại là một việc cần mẹ hết sức lưu tâm và thực hành.
Thiết lập thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày càng sớm càng tốt sẽ giúp mẹ hạn chế tối đa những dấu hiệu bất thường. Nhờ đó mẹ sẽ có những khoảng thời gian nghỉ ngơi và có thời gian tập trung quan sát, chăm sóc bé. Qua đó mẹ cũng sẽ dễ dàng nhận ra và đáp ứng nhu cầu của bé hơn.
Âu yếm, vỗ về bé khi nhận thấy bé có dấu hiệu hoảng sợ, lo âu, bị đau hoặc khó chịu. Sau đó tìm hiểu nguyên nhân khiến bé đau để tìm cách khắc phục.
Nhiều mẹ cứ thấy bé khóc là cho bú vì sợ bé đói. Điều này chỉ khiến cho bé bị rối loạn các bữa ăn và luôn ở trong trạng thái nửa no, đầy bụng. Mẹ có thể bế bé lên nhẹ nhàng, phân tâm bé bằng tiếng động, đồ chơi, bế bé sang phòng khác để giúp bé cảm thấy thoải mái hơn.
Khi bé có dấu hiệu bị bệnh hãy đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để được khám chữa, tuyệt đối không nên tự ý cho bé dùng thuốc hay chữa cho bé nếu không có chuyên môn.
Hiểu con là cả một hành trình của tình yêu thương và tận tâm chăm sóc của mẹ. Với những thông tin về ngôn ngữ cơ thể của trẻ sơ sinh trong bài viết, Momo Rabbit hy vọng đã giúp mẹ có thêm kinh nghiệm để gần với bé hơn, dễ dàng thấu hiểu và yêu bé nhiều hơn mỗi ngày.