Nhận biết các dấu hiệu mẩn đỏ trên da trẻ sơ sinh
Các bé khi mới sinh đều phải thay đổi môi trường từ một nơi an toàn, vô trùng sang môi trường bên ngoài, phải tự đối diện với hàng ngàn tác nhân kích ứng khác nhau. Chính bởi điều đó, da của trẻ sơ sinh rất dễ bị mẩn đỏ khiến ba mẹ vô cùng bối rối. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu và nhận biết các vấn đề về da của bé khi bị mẩn đỏ mẹ nhé.
Những vết mẩn đỏ có nguy hiểm không?
Làn da hồng hào của bé yêu đột nhiên xuất hiện những vết mẩn đỏ, mụn li ti, những mảng da sưng tấy khiến mẹ lo lắng. Thực tế làn da của trẻ sơ sinh còn rất non yếu nên dễ bị tác động bởi môi trường, quần áo mặc hàng ngày, các chất tẩy, rửa hoặc do các tác nhân từ ăn uống, thực phẩm.
Thông thường các vết mẩn đỏ, mụn nhỏ không gây ra bất kỳ nguy hiểm gì cho sức khỏe của bé, mẹ chỉ cần vệ sinh sạch sẽ cho bé hàng ngày, sau một thời gian ngắn những vết đó sẽ tự biến mất. Trong những trường hợp da bé bị viêm, tổn thương nặng sẽ đi kèm với các dấu hiệu sốt, đau đớn, quấy khóc, bỏ ăn, khó ngủ. Lúc này, mẹ cần điều trị tích cực và đưa bé đến các cơ sở y tế để được khám chữa.
Có khá nhiều chứng bệnh gây ra tình trạng mẩn đỏ trên da bé, do đó mẹ cần hiểu rõ các dấu hiệu nhận biết và cách xử lý để không phải quá lo lắng hoặc để tình trạng bệnh nặng lên.
Các bệnh thường gặp khi da bé bị mẩn đỏ
Mụn sữa: Trong khoảng 1 tháng đầu đời của bé, mẹ rất dễ gặp tình trạng bé nổi mụn sữa li ti trên mặt, cổ, lưng, tay chân. Mụn sữa có thể tự khỏi mà mẹ không cần phải làm gì cả, tối đa sau 3 tháng mụn sữa sẽ hoàn toàn biến mất. Nguyên nhân chủ yếu của mụn sữa là bé bị thay đổi môi trường và tuyến bã nhờn của bé bắt đầu học cách bài tiết.
Rôm sảy: Thời tiết nhiệt đới nóng ẩm cùng với thói quen sợ bé lạnh nên các bà, mẹ hay ủ kín, cuốn chặt cho bé khiến bé dễ bị rôm sảy ở mặt, lưng, đầu. Dấu hiệu của rôm sảy là những mảng đỏ khiến bé ngứa ngáy, khó chịu xuất hiện do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn.
Phát ban: Trên da mặt trẻ sơ sinh xuất hiện những vết đỏ kèm đầu mủ trắng hoặc vàng cho thấy bé đang bị phát ban nhẹ. Tình trạng này sẽ tự hết trong 3 ngày mà không cần tác động hay sử dụng thuốc.
Hăm da: Thông thường vết hăm hay xuất hiện ở những vùng nếp da bị gập, bí, vùng da tiếp xúc với bỉm, quần áo bị cọ xát. Những vết hăm da thường xuất hiện thành mảng, đỏ tấy, nếu không được vệ sinh đúng cách sẽ gây mưng mủ, viêm da nghiêm trọng.
Chàm sữa: Đây là tên gọi dân gian của các vết mẩn đỏ trên da của các bé có cơ địa dị ứng. Đây là chứng bệnh viêm da mãn tính thường gặp ở bé 2 tháng tới 2 tuổi. Các bé có người thân có tiền sử dị ứng rất dễ bị chàm sữa bởi các tác nhân như bơ lạc, hải sản, một số loại hạt … thông qua thức ăn hoặc qua sữa mẹ.
Dị ứng: Có nhiều tác nhân gây dị ứng như dị ứng thời tiết, dị ứng phấn hoa, dị ứng khói thuốc, dị ứng đạm sữa … Nổi mẩn do dị ứng không có thuốc chữa và chỉ có thể ngăn ngừa nếu có khám chuyên sâu.
Mụn nhọt: Mụn nhọt rất dễ nhận biết bởi chỉ xuất hiện riêng lẻ, sưng to, có một số mụn có thể có mủ.
Những nguyên nhân hàng đầu gây mẩn đỏ cho bé yêu
Do virus tấn công: Virus và vi khuẩn có thể khiến cho bé bị sốt và nổi ban, phổ biến nhất là các bệnh: tay chân miệng, ban đào, thuỷ đậu, ban đỏ nhiễm khuẩn…Mẹ cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện khi thấy con bị sốt kèm các triệu chứng khác như phát ban, mệt mỏi, nôn, đau họng, biếng ăn, khó chịu…
Nổi mẩn do tiếp xúc với kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm cũng là một tác nhân khiến da bé bị tổn thương do có chứa những hóa chất hoặc chất tạo mùi gây kích ứng cho làn da mỏng manh, đặc biệt là khi bé đã bị bệnh chàm. Đối với làn da khô của bé, mẹ nên chỉ sử dụng bộ sản phẩm tắm dịu nhẹ để bảo vệ làn da bé và không chà xát da khô sau khi tắm. Mẹ cũng nên hỏi bác sĩ nhi khoa để được tư vấn về loại kem dưỡng da an toàn cho bé nhé!
Do quần áo và các chất tẩy rửa: Các hóa chất trong một số chất tẩy rửa có thể kích hoạt viêm da tiếp xúc khiến bé bị nổi mẩn đỏ khắp người nhưng không sốt. Đây là tác nhân phổ biến gây các bệnh về da ở trẻ, đặc biệt là những bé có tiền sử bị bệnh chàm.
Do ô nhiễm không khí: Bé có thể gặp tình trạng viêm da, dị ứng nếu tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn, lông thú hay ô nhiễm không khí trong nhà. Vì thế, mẹ cần luôn giữ không gian sống sạch sẽ bằng cách lau dọn nhà thường xuyên bằng sản phẩm dịu nhẹ hoặc sử dụng thêm máy lọc không khí trong nhà để bảo vệ sức khỏe của con.
Mách mẹ cách chăm sóc da cho bé khi bị mẩn đỏ
Mẹ không nên ủ bé quá kín, nên mặc cho bé đồ mỏng, thoáng, rộng vào mùa hè. Tạo môi trường thông thoáng cho phòng của bé để bé luôn mát mẻ. Có thể sử dụng thêm điều hòa vào mùa hè, bật thêm quạt không hướng trực tiếp vào bé.
Mẹ đừng quên vệ sinh da bé khi có các vết mẩn đỏ một cách nhẹ nhàng, thường xuyên. Tùy từng loại bệnh mà mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý hoặc chấm 1 chút thuốc tím để sát trùng cho vết mẩn đỏ. Sử dụng quần áo chất mềm mại, thấm hút mồ hôi. Không giặt đồ của bé chung đồ người lớn, bằng chất tẩy mạnh mà phải giặt riêng, bằng nước giặt dành riêng cho bé.
Ngoài ra, mẹ hãy lưu ý chọn và sử dụng những loại đồ vệ sinh an toàn cho da bé như bỉm tốt chống hăm tã, khăn ướt có hoạt chất chống hăm Momo Rabbit. Mẹ cũng không nên chủ quan với các vết mẩn đỏ trên da bé mà cần lưu tâm các dấu hiệu để phân biệt và điều trị cho bé kịp thời. Trong trường hợp bé có dấu hiệu bệnh nặng hơn kèm sốt cao mẹ cần lập tức đưa bé đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.