Momo Rabbit

Những điều mẹ cần nắm rõ về tháp dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm

14 tháng 12 2021
Nguyen Hong Diep

Cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn của trẻ nhỏ vào độ tuổi ăn dặm là yêu cầu tối quan trọng để bé có cơ thể khỏe mạnh, hấp thu tốt, mau lớn. Tháp dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm là gì? Các nhóm chất cần được mẹ lưu tâm bổ sung cho bữa ăn của bé? Cùng Momo Rabbit tìm hiểu trong bài viết dưới đây mẹ nhé. 

Tháp dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm là gì?

Mô hình tháp dinh dưỡng dành cho trẻ ăn dặm

 

Tháp dinh dưỡng là một mô hình được chuẩn hoá với hình dạng kim tự tháp. Trong đó các nhóm dưỡng chất sẽ bố trí từ dưới lên trên giảm dần theo nhu cầu của cơ thể. Dựa trên đồ hình này mẹ có thể hình dùng khái quát về cách phân bố lượng thức ăn thuộc các nhóm dinh dưỡng khác nhau trong mỗi bữa ăn của bé. 

Các nhà khoa học dinh dưỡng đã chỉ ra rằng trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi cho đến 6 tuổi có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, vì vậy tháp dinh dưỡng cũng có sự thay đổi nhất định. Mẹ cần có sự hiểu biết rõ về thành phần các nhóm dinh dưỡng, từ đó nắm được tầm quan trọng trong cân bằng mỗi bữa ăn của bé. 

Tháp dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm gồm những gì?

Đối với trẻ nhỏ bước vào độ tuổi ăn dặm từ khoảng 5,5 tháng tuổi, tháp dinh dưỡng của bé sẽ bao gồm 6 nhóm chính phân bổ từ thấp lên cao là: Nhóm tinh bột - Nhóm rau, củ, quả - Nhóm sữa, chế phẩm từ sữa - Nhóm đạm - Nhóm chất béo - Nhóm muối, đường.

Nhóm tinh bột

Nhóm tinh bột có nhiều trong ngũ cốc, các loại mì, bánh mì

 

Đứng đầu trong nhu cầu dinh dưỡng của trẻ ăn dặm chính là nhóm tinh bột. Các thực phẩm trong nhóm này sẽ được cơ thể chuyển hoá thành đường glucose giúp cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể. 

Nhóm thực phẩm này cần chiếm tới 60% tổng khẩu phần ăn của trẻ ở độ tuổi ăn dặm bởi tác dụng điều hoà cơ thể, tạo nên các mô, tế bào, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của hệ thần kinh và trí não của bé. 

Mẹ có thể dễ dàng bổ sung nhóm dưỡng chất này cho bé với các loại thực phẩm rất sẵn như gạo, khoai tây, khoai lang, bánh mỳ, bún, phở … 

Nhóm rau, củ, quả

Rau xanh rất quan trọng cho mỗi bữa ăn của bé

 

Sau tinh bột, nhóm thực phẩm quan trọng thứ hai đối với cơ thể bé chính là rau, củ quả. Đây là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hoá cho cơ thể bé. 

Bổ sung thường xuyên rau, củ, quả vào các bữa ăn giúp bé cải thiện tốt hệ tiêu hoá, tăng cường sức đề kháng, bổ sung đầy đủ các vi chất thiết yếu. 

Mẹ có thể thêm vào bữa ăn của bé các loại rau xanh (cải xanh, xúp lơ, bông cải …), củ có màu sắc (cà rốt, củ dền …) và các loại quả nhiều nước theo mùa. 

Nhóm sữa và chế phẩm từ sữa

Sữa và chế phẩm cung cấp nhiều dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn ăn dặm

 

Sữa mẹ, sữa công thức và các chế phẩm khác như bơ, phô mai, sữa chua, váng sữa là nguồn bổ sung dưỡng chất thiết yếu, các axit béo, canxi cho cơ thể bé. Dù đã thực hành ăn dặm nhưng sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng cần bổ sung đầy đủ hàng ngày. 

Các bé ở độ tuổi ăn dặm cho đến 1 tuổi nên có khẩu phần sữa với tổng lượng đạt trên 500ml cho tới 900ml. Các bé uống quá ít sữa (<500ml/ngày) có nguy cơ thiếu dinh dưỡng cao hơn so với các bé uống đủ sữa. 

Ngoài ra, các chế phẩm khác từ sữa như sữa chua, váng sữa, phô mai có thể thêm vào các bữa phụ cho bé. Mẹ có thể chế biến được rất nhiều món từ các chế phẩm sữa để tăng độ hấp dẫn, kích thích bé khám phá trong các bữa ăn. 

Nhóm chất đạm

Thịt, cá, đậu, đỗ là những nguồn cung chất đạm cho bữa ăn của bé

 

Không phải chỉ thịt, cá mới mang tới nguồn cung chất đạm mà ngay cả các loại thực vật cũng rất giàu đạm như các loại đậu, đỗ. Mẹ có thể tuỳ vào khả năng hấp thu và tiêu hoá của bé mà bổ sung nhóm dinh dưỡng này phù hợp. 

Chất đạm cung cấp năng lượng cho cơ thể bé, bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, góp phần vào sự phát triển hệ thống thần kinh của bé. 

Nhóm chất béo

Mẹ đừng quên bổ sung thêm chất béo cho bé

 

Chất béo là thành phần dưỡng chất tối quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí não của trẻ. Chất béo đóng vai trò duy trì các hoạt động sống của tế bào, dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra, chất béo còn là dung môi giúp hoà tan các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K. 

Để bổ sung chất béo cho bé, mẹ có thể thêm vào khẩu phần ăn của bé 1 lượng dầu ăn dành cho trẻ ăn dặm như dầu gạo, dầu olive, dầu cải, dầu gấc … Với các bé ở độ tuổi từ 6 đến 12 tháng tuổi, lượng chất béo hàng ngày ở khoảng 20-30ml. 

Nhóm muối, đường

Để bé tránh xa muối, đường hoá học càng lâu càng tốt mẹ nhé

 

Trẻ ăn dặm dưới 1 tuổi mẹ tuyệt đối không nên nêm thêm mắm, muối vào đồ ăn của bé. Lượng vi chất muối có trong sữa, thực phẩm là đủ cho nhu cầu hàng ngày của bé. 

Đối với các bé trên 1 tuổi mẹ có thể bổ sung thêm 1 lượng nhỏ muối vào khẩu phần ăn hàng ngày của bé, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng vì rất dễ gây ra các bệnh về thận cho bé do phải làm việc quá nhiều. Đồng thời, ăn mặn quá sớm khiến bé rất dễ chán ăn, biếng ăn, khó hấp thu, suy dinh dưỡng. 

Thực phẩm chứa đường hoá học mẹ cần tuyệt đối tránh cho bé sử dụng. Các loại bánh kẹo, đồ ăn nhanh chứa rất nhiều thành phần lâu tan, khó tiêu, gây dư thừa chất trong cơ thể, khiến bé dễ nhiễm bệnh béo phì, tim mạch, tiểu đường. 

Hoa quả là nguồn bổ sung đường tự nhiên tốt cho bé. Tuy nhiên với các bé dưới 1 tuổi, mẹ nên pha loãng nước hoa quả rồi mới cho bé uống. 

 

Xây dựng bữa ăn cân bằng dựa trên tháp dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm ngay từ đầu sẽ là cách để mẹ giúp bé có sự phát triển tốt cả về thể chất lẫn trí tuệ. Với những thông tin nêu trên, Momo Rabbit mong rằng mẹ đã có kiến thức cơ bản về dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm và có lộ trình ăn dặm hợp lý cho bé. 

 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy