Ở cữ khoa học - Tất tật những điều mẹ cần biết
Khi chưa kịp hưởng trọn niềm vui làm mẹ, rất nhiều chị em đã bị bủa vây bởi những lo âu, trầm cảm bởi việc kiêng cữ sau khi sinh nở. Cùng Momo Rabbit giải đáp phương pháp ở cữ khoa học giúp mẹ an tâm, vui vẻ tận hưởng hạnh phúc bên bé yêu nhé.
Giải tỏa áp lực và căng thẳng
Tâm lý của mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của bé
Những người lần đầu làm mẹ thường gặp rất nhiều vấn đề tâm lý sau khi sinh em bé. Sức khỏe sụt giảm, kiêng khem ăn uống, hạn chế đủ thứ khiến suy nghĩ của mẹ trở nên tiêu cực, u ám.
Trước tiên mẹ cần hiểu rõ sức khoẻ và tâm lý của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến bé, ngay từ trong quá trình mang thai cho đến khi nuôi con. Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ, sự căng thẳng lo âu còn ảnh hưởng tới tâm trí và sức khỏe tinh thần của cả mẹ và bé bởi bé có thể hấp thụ và cảm nhận trực tiếp từ mẹ. Mẹ vui thì bé vui, mẹ trầm cảm, buồn bã thì con quấy khóc và chậm lớn. “Mẹ tròn con vuông” là niềm hạnh phúc vô bờ với cả gia đình, do đó mẹ hãy tận hưởng hạnh phúc thay vì để bản thân rơi vào tình trạng căng thẳng hay trầm cảm sau sinh gây ảnh hưởng đến bé.
Tránh tuyệt đối thức ăn cũ/lạnh
Ăn uống đủ chất là cách tốt nhất để mẹ và bé đều khoẻ
Sau khi sinh cơ thể của mẹ còn rất yếu nên cần tránh tuyệt đối các loại thực phẩm lên men hay các đồ ăn đã để qua đêm. Những món ăn có tính hàn, tanh như cua, cá, ốc, rau đay … hay thức ăn dễ gây dị ứng, đá lạnh cũng nên tránh. Thức ăn này có thể gây tiêu chảy, đầy hơi, rối loạn tiêu hoá cho mẹ. Mẹ cũng không nên kiêng cữ quá đà sau sinh dễ gây ra tình trạng thiếu chất, thiếu vitamin, dễ nhiễm bệnh, thậm chí cả hậu sản. Mẹ nên ăn thức ăn lành tính như mướp, thịt đỏ, cá nước ngọt, rau xanh, trái cây … Đặc biệt mẹ nên bổ sung khoáng chất và uống nhiều nước để cơ thể sản sinh sữa tốt hơn cho bé.
Vận động sớm nhưng hạn chế vận động mạnh sau sinh
Để dành những bài tập nặng như này về sau mẹ nhé
Nhiều người có quan niệm phụ nữ sau sinh nên tuyệt đối hạn chế vận động trong nhiều tháng trời, tuy nhiên khoa học đã chứng minh điều ngược lại. Mẹ nên vận động sớm ngay khi cơ thể cảm thấy ổn hơn. Vận động trở lại giúp khí huyết không bị ứ trệ, kích thích quá trình trao đổi chất, giúp các vết thương mau lành hơn. Tuy nhiên mẹ không được vội vã, đốt cháy giai đoạn. Nhiều mẹ vì sốt ruột trước cơ thể “kém đẹp” sau sinh mà vận động mạnh, thậm chí tập thể dục quá sớm dẫn tới ảnh hưởng đến tử cung, âm đạo, đáy xương chậu và đặc biệt là các vết mổ, vết tổn thương do sinh nở. Tập thể dục nặng không giúp cơ thể khoẻ mà ngược lại còn gây tổn hại, làm cho tử cung chậm hồi phục hơn.
Nếu mẹ sinh thường có thể vận động trở lại sau 2 - 3 ngày thì các mẹ đẻ mổ có thể sẽ phải chờ đợi dài hơn, có thể đến cả tháng sau sinh để vết mổ ổn định. Tuyệt đối tránh mang vác vật nặng, nâng nhấc đồ đạc, tập các bài tập vùng bụng, vươn với lên cao.
Tránh xa đồ uống có cồn, caffein
Mẹ luôn nhớ rằng bé hấp thu mọi thứ mẹ ăn uống thông qua sữa mẹ
Mẹ mới sinh cần kiêng tuyệt đối các loại đồ uống có chứa cồn hay caffein. Rượu có thể dẫn tới huyết áp cao, trong khi caffein ngược lại gây ra hạ huyết áp, căng thẳng thần kinh. Chưa kể khi mẹ đang cho bé bú, đồ uống của mẹ cũng chuyển hoá qua sữa ảnh hưởng trực tiếp đến bé. Ngoài ra, rượu có thể làm giảm lượng sữa mẹ, làm cho bé chậm lớn, còi cọc, yếu ớt. Sau sinh mẹ nên uống các loại nước an toàn như sữa, nước trái cây, nước lọc giúp cơ thể mẹ khoẻ mạnh và bé cũng từ đó hưởng lợi ích cho sự phát triển dài lâu.
Không sử dụng thuốc bừa bãi
Có phương án cho bé ăn sữa ngoài nếu mẹ bắt buộc phải dùng thuốc
Khi nuôi con bằng sữa mẹ, trừ khi thực sự cần thiết và có sự chỉ định của bác sĩ, mẹ nên tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc trị mụn chứa steroid, chất kích thích hoocmon, các thuốc điều trị bệnh có tá dược là thuốc ngủ, thuốc giảm đau … Lý do là vì mẹ sử dụng thuốc thì chất đó cũng dung nạp qua sữa mẹ, tác động lên bé. Do đó, mẹ cần tham vấn ý kiến của bác sĩ và cho bé sử dụng sữa ngoài trong thời gian mẹ uống thuốc và chỉ cho bé ti lại mẹ khi tác dụng của thuốc đã hoàn toàn hết.