Sao cần quá lo âu khi bé mút tay nhỉ?
Ai trong chúng ta cũng cần có 1 thú vui nào đó hoặc 1 cách nào đó để tự trấn an bản thân phải không nào? Em bé của bố mẹ mút tay cũng là một hành động hết sức tự nhiên thôi nè. Để giúp bố mẹ bớt lo âu, Momo Rabbit chia sẻ sự thật đằng sau việc mút tay của bé nhé.
Mút tay - Hành vi bản năng hoàn toàn tự nhiên
Phản xạ mút là hành động đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời của mỗi em bé chỉ sau hít thở. Mút là cách duy nhất để bé tìm kiếm thức ăn từ sữa mẹ, vì vậy mút là phản xạ bản năng hoàn toàn tự nhiên của bé. Mẹ có thể không biết bé đã biết mút ngón tay ngay từ khi còn trong bụng mẹ, nơi chốn an bình nhất mà bé có thể làm mọi thứ mà không bị ai ngăn cản.
Khi lớn hơn, bé dần khám phá ra cơ thể mình và cũng như thế giới xung quanh thông qua các đồ vật có thể với tới được. Bé sẽ có xu hướng đưa mọi thứ lên miệng, bởi đây là cơ quan xúc giác nhạy cảm nhất của bé, giúp bé có sự phân biệt và nhận biết những thứ mới lạ. Nắm tay của bé cũng không phải ngoại lệ, ban đầu bé có thể đưa cả nắm tay vào miệng, sau đó bé sẽ phát hiện ra cảm giác thoải mái, thư giãn, an tâm thông qua việc mút một ngón tay nào đó và hình thành thói quen của riêng mình. Nếu không có sự góp mặt của ti giả “thần thánh” chắc chắn mọi em bé đều sẽ trải qua những giai đoạn thích mút ngón tay nhất định. Do đó đây là việc hoàn toàn tự nhiên và không có gì để bố mẹ phải lo lắng cả.
Mút tay - Xấu hay tốt?
Khi thấy bé yêu mút tay quá nhiều, bố mẹ thường nảy sinh lo lắng không biết việc mút tay này có ảnh hưởng đến răng miệng không, liệu bé có vấn đề gì về sức khỏe hay cảm xúc không, bé đang đói hay không, vân vân và vân vân. Chúng ta thường không thể giải thích những hành động của em bé theo cách thông thường nên tốt nhất là để các bé được phát triển tự nhiên và làm theo cách bé muốn.
Bé mút tay có thể là hành động biểu thị bé đói, nếu kèm theo các biểu hiện khác như với tìm ti mẹ, mút môi, miệng chóp chép … Hoặc cũng có thể là do bé cảm thấy bất an, lo lắng vì một điều gì đó nên tìm cách để tự trấn an bản thân. Cũng có thể bé mút tay để tự thư giãn, thả lỏng qua đó tự đưa mình vào giấc ngủ thay vì cần sự hỗ trợ của bố mẹ.
Dù là bất kỳ lý do nào, thay vì ngăn cấm bé, bố mẹ nên quan sát và coi đó như một ngôn ngữ của bé để hiểu bé hơn. Do đó, mút ngón tay trông có vẻ thật mất vệ sinh với người lớn, nhưng không có gì xấu cả nếu như bố mẹ đã hiểu bé.
Em bé có phải cai mút tay không?
Thực tế cho thấy các bé dù đều trải qua các giai đoạn thích mút tay, nhưng thông thường sẽ hết muộn nhất khi bé bước vào độ tuổi lên 5. Khi bé nhận thức tốt hơn, có các hoạt động xã hội nhiều hơn, những hành vi thủa bé sẽ được thay thế bằng những thói quen mới, bé cũng sẽ tự biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình hơn thay vì phải mút tay tự trấn an.
Không giống như cai ti mẹ hay ti giả, mút tay là hành động phản xạ tự giác của chính cơ thể bé, bé sẽ là người tự dừng thói quen mút tay lại mà không cần tác động của người lớn.
Làm cách nào để bé giảm mút tay?
Tất nhiên, không phải lúc nào bố mẹ cũng cảm thấy thoải mái khi bé cứ mút tay liên tục, bởi vậy cũng có những cách để giúp bố mẹ điều chỉnh việc này. Đầu tiên, bố mẹ có thể giới thiệu cho bé ti giả. Ti giả có thể vệ sinh dễ dàng, thường xuyên mà lại có hiệu quả trấn an bé rất tốt. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể tìm cách đánh lạc sự chú ý của bé thông qua các trò chơi dùng đến cả 2 tay, qua đó giúp bé quên đi cảm giác cần mút tay.
Nếu không thể ngăn cản bé, tốt nhất bố mẹ nên giữ gìn vệ sinh tay cho bé thường xuyên, làm sạch đồ chơi hàng ngày cho bé cũng như cẩn thận khi đưa bé ra bên ngoài.
Làm em bé tội lắm bố mẹ ơi, cái gì cũng bị ngăn cấm hết. Vậy nên nếu bé có mút tay một chút, bố mẹ cố hiểu và thông cảm cho bé nhé. Momo Rabbit bé luôn được bố mẹ yêu thương thật nhiều để lớn khôn thông minh và hạnh phúc.