Momo Rabbit

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít có đáng lo ngại?

21 tháng 03 2022
Nguyen Hong Diep

Dù khoa học chứng minh trẻ sơ sinh lớn lên trong giấc ngủ và có tổng thời gian ngủ trong ngày rất nhiều nhưng nhiều mẹ vẫn rất lo âu khi thấy bé ngủ quá nhiều và sợ bé bú không đủ. Cùng Momo Rabbit tìm hiểu tình trạng trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít để có câu trả lời đúng nhất mẹ nhé.

Như thế nào là trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít?

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít có đáng lo ngại?

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít khiến bố mẹ lo lắng

 

Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi có tổng thời gian ngủ trong ngày lên tới 18-20 tiếng. Thông thường các bé sẽ thức dậy và cần ăn sau mỗi 2-3 tiếng, các bé ăn sữa công thức có thể ngủ được lâu hơn do sữa công thức tiêu hoá mất nhiều thời gian hơn. Bé lớn lên sẽ ăn tốt hơn nên khoảng cách giữa 2 bữa ăn cũng dài ra.

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh rất quan trọng vì sau khi ra đời các bé cần thời gian để trấn tĩnh, làm quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ. Thức giấc đồng nghĩa với việc bé phải tiếp nhận rất nhiều thông tin từ ánh sáng, hình ảnh, âm thanh, mùi vị … Giấc ngủ vì thế giúp cân bằng trạng thái thần kinh, tăng tiết hormone tăng trưởng, giúp bé tăng chiều cao, cân nặng, phát triển trí não. 

Các bữa ăn sẽ đến theo nhu cầu khi cơ thể cần nạp thêm năng lượng. Dạ dày của trẻ sơ sinh còn rất nhỏ nên chưa thể bú được lượng lớn sữa do đó các bữa ăn thường rất gần nhau. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé do đặc tính dễ tiêu, dễ hấp thụ, đầy đủ dưỡng chất và bổ sung đề kháng tự nhiên cho bé. Trong khi đó sữa công thức thường khó tiêu hơn, no lâu hơn. 

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít là khi có lượng sữa uống trong ngày ít hơn nhiều so với mức trung bình tính theo cân nặng hoặc so với thời điểm trước đó trong khi các giấc ngủ kéo dài, khó đánh thức. Thiếu dinh dưỡng do bú ít dẫn tới bé chững cân, mệt mỏi. 

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít có nguy hiểm không?

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít có đáng lo ngại?

Bé ngủ theo nhu cầu sinh lý của cơ thể nên mẹ không cần quá lo âu

 

Thông thường tình trạng trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít sẽ xuất hiện vào các giai đoạn phát triển vượt bậc của bé, khi bé tiếp nhận được kĩ năng mới, tiếp thu được nhiều thông tin hơn. Lúc này bé sẽ có xu hướng ăn ít đi hoặc hơi biếng ăn, ngủ nhiều hơn. Những giai đoạn này thường trùng với wonder week nên bố mẹ có thể theo đó để tiện quan sát và tìm hiểu nguyên nhân. 

Giai đoạn trẻ mọc răng cũng khiến cho bé gặp tình trạng ăn kém, bỏ sữa, mệt mỏi, khó chịu, ngủ nhiều. Giai đoạn này thường đến vào tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 nên mẹ có thể quan sát dấu hiệu vùng nướu của bé biết bé có mọc răng hay không. Tình trạng ngủ nhiều bú ít sẽ qua đi khi răng không cựa nữa hoặc răng đã mọc và bé ăn ngủ bình thường trở lại. Ngoài ra còn có thể xét đến một số nguyên nhân khác như bé nhạy cảm, dễ bị phân tâm bởi ánh sáng, tiếng động dẫn đến gián đoạn các bữa ăn hoặc có thể bé có phản ứng sau tiêm phòng khiến cơ thể cần ngủ nhiều hơn …

Nếu tình trạng trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít không gây ảnh hưởng nhiều đến nhịp sinh hoạt của bé, bé vẫn vui vẻ, nhanh nhẹn thì mẹ không cần phải quá lo lắng. Hiện tượng này chỉ là nhất thời và sẽ nhanh chóng kết thúc. Trong trường hợp bé ngủ li bì, thức dậy nhưng không ăn mà ngủ tiếp, bé tỉnh giấc mệt mỏi, uể oải, tình trạng kéo dài thì mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để tìm nguyên nhân và các bác sĩ cho lời khuyên. 

Mẹo nhỏ cho mẹ

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít có đáng lo ngại?

Điều chỉnh giờ sinh hoạt và các bữa ăn giúp bé vào nếp nhanh chóng

 

Trong các trường hợp thông thường như mọc răng, phát triển kỹ năng, Momo Rabbit khuyên mẹ nên để bé tự điều chỉnh nhịp sinh học của mình, ăn ngủ theo nhu cầu của cơ thể. Không nên cố gượng ép con vào các bữa ăn hoặc ép bé ăn khi không có nhu cầu. Việc đó sẽ khiến bé dần chán ăn dẫn tới biếng ăn, suy dinh dưỡng về sau.

Với các bé quá nhạy cảm, dễ bị phân tâm mẹ nên để bé bú ở trong môi trường yên tĩnh, tránh các yếu tố gây kích thích, tò mò để bé có thể tập trung vào bữa ăn. Khi bé lớn hơn, khả năng điều chỉnh tốt hơn bé sẽ không còn gặp phải tình trạng đó nữa. 

Nếu mẹ lo con ngủ quá lâu nên bị đói thì có thể thử cho bé bú ngay trong khi đang ngủ hoặc đánh thức bé dậy để cho bú. Dream feed hay cho bé bú khi ngủ là cách làm thường được áp dụng với các giấc ngủ đêm. Khi đó mẹ cho bé ngậm ti hoặc bình sữa trong lúc ngủ, phản xạ tự nhiên của bé là mút nên sẽ uống sữa. Bé sẽ tỉnh giấc dần khi uống và ăn đủ cữ ăn cơ thể cần. Mẹ có thể đánh thức bé dậy bằng cách nới lỏng khăn quấn, chạm nhẹ vào má, cổ của bé hoặc dùng khăn ướt, ấm lau nhẹ bàn tay, bàn chân, mông của bé. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên chỉ với những tác động nhỏ bé cũng sẽ cựa mình và thức giấc.

 

Với những thông tin nêu trên mẹ có thể thấy tình trạng trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít hoàn toàn không có gì quá đáng ngại. Một chút điều chỉnh nhỏ trong giờ giấc sinh hoạt và bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân là mẹ có thể yên tâm rồi. 

Viết bình luận của bạn

Tin liên quan

Lỗi giao diện: file 'snippets/popup-sapo.bwt' không được tìm thấy